Làm thế nào chúng ta có thể phát hiện và kiểm soát trẻ trong giai đoạn tiền cận thị? Trong bài viết này, Phòng khám Mắt Bình An sẽ cập nhật một số thông tin quan trọng về: định nghĩa, cách xác định và các giải pháp can thiệp có thể thực hiện sớm trước khi trẻ bị cận thị nhé!
TIỀN CẬN THỊ LÀ GÌ?
Trong Báo cáo về định nghĩa và phân loại cận thị của Viện Cận thị Quốc tế (The International Myopia Institute - IMI) đã đưa ra định nghĩa rõ ràng về tiền cận thị: “Tiền cận thị: một trạng thái khúc xạ của mắt ≤ +0,75D (ví dụ viễn + 0.50 hoặc + 0.25) và > -0,50 D (ví dụ cận -0.25) ở trẻ em trong đó sự kết hợp của khúc xạ cơ bản, tuổi và các yếu tố nguy cơ khác cho thấy một khả năng phát triển cận thị trong tương lai để đưa ra những can thiệp phòng ngừa”.
Định nghĩa này được đưa ra bởi các chuyên gia với mục tiêu trọng tâm là giảm sự tiến triển của cận thị, việc ngăn chặn sự khởi phát của cận thị mới là mục tiêu giá trị đang cần được hướng đến. Các biện pháp ngăn ngừa này cần được tiến hành ngay khi phát hiện trẻ đang trong giai đoạn nguy cơ mới đem lại hiệu quả tốt.
CÁCH XÁC ĐỊNH TRẺ TRONG GIAI ĐOẠN TIỀN CẬN THỊ
Có 4 yếu tố chính để đánh giá nguy cơ khởi phát cận thị:
1. Tiền sử gia đình: BA HOẶC MẸ bị cận thị sẽ tăng nguy cơ lên gấp 3 lần, trong khi trẻ có cả BA VÀ MẸ đều mắc cận thị thì nguy cơ này sẽ tăng lên gấp 6 lần. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ em có ba mẹ bị cận thị độ cao cũng sẽ có nhiều khả năng bị cận thị và thậm chí tiến triển thành cận thị cao một cách nhanh chóng.
Anh chị em bị cận thị là yếu tố nguy cơ khá phức tạp do có chung cả gen và các yếu tố môi trường thị giác chung. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy nếu một đứa trẻ có anh chị bị cận thị thì có nguy cơ cao chúng cũng sẽ bị cận thị, cho dù chúng có ba mẹ cận thị hay không
“Nếu một đứa trẻ có khúc xạ ≤+0,75D ở độ tuổi 6-7 tuổi, chúng có khoảng 50% khả năng bị cận thị ở tuổi thiếu niên nếu không có ba mẹ bị cận thị. Với cả cha và mẹ đều bị cận thị thì khả năng này tăng lên 77%”
2. Môi trường xung quanh: Trẻ dành ít hơn 90 phút/ ngày ngoài trời cũng làm tăng nguy cơ, đặc biệt là khi kết hợp với việc dành hơn 3 tiếng mỗi ngày cho các hoạt động nhìn gần (ngoài giờ học)
3. Thị giác 2 mắt: Trẻ có khả năng phân tụ điều tiết cao, thường biểu hiện với triệu chứng lác/ lé ẩn trong (mắt lệch về hướng mũi), có nguy cơ phát triển cận thị cao gấp 20 lần trong vòng 1 năm. Độ trễ điều tiết, lé ngoài biểu hiện không liên tục cũng là các yếu tố nguy cơ được dự đoán có liên quan đến sự khởi phát cận thị
4. Độ khúc xạ hiện tại: Đây là yếu tố nguy cơ đáng lưu ý nhất với việc dự đoán cận thị trong tương lai nếu một đứa trẻ 6-7 tuổi có biểu hiện viễn thị ≤+0,75D. Yếu tố này không phụ thuộc vào tiền sử gia đình và môi trường thị giác xung quanh của trẻ.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý theo dõi chặt chẽ các trường hợp trẻ bị giảm độ viễn thị nhanh chóng (tức là đang trên đà tiến về độ cận thị) trong các lần thăm khám mắt, vì sự thay đổi khúc xạ sẽ diễn ra nhanh nhất vào trước thời điểm trẻ bắt đầu cận thị. Các chuyên gia lâm sàng đã đưa ra kết luận: Nếu trẻ giảm +0.50D hoặc hơn mức độ viễn thị bình thường trong vòng 1 năm ở độ tuổi đi học, chúng được dự đoán sẽ mắc tật cận thị trong tương lai
CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT TRẺ TIỀN CẬN THỊ
Các biện pháp can thiệp tiền cận thị với bằng chứng nghiên cứu trực tiếp như:
1. Tăng thời gian ngoài trời: Nghiên cứu của Xiong & cộng sự từ năm 2017 đã cho thấy việc cho trẻ thời gian ngoài trời khoảng 76 phút/ngày (hơn 1 tiếng/ ngày) có thể làm giảm 50% tỷ lệ mắc mới cận thị. Đây thực sự là một biện pháp can thiệp đơn giản, hiệu quả và dễ dàng thực hiện được, đồng thời có tác động tích cực đến các yếu tố khác trong cuộc sống của trẻ như giảm chỉ số khối cơ thể (BMI) và giúp trẻ vận động linh hoạt hơn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ 5-17 tuổi nên hoạt động thể chất ví dụ như aerobic, cường độ vừa phải khi dành thời gian hoạt động ngoài trời.
2. Sử dụng Atropine nồng độ thấp: Đọc thêm bài viết về hiệu quả ngăn ngừa cận thị của phương pháp này tại đây
Các biện pháp can thiệp tiền cận thị chưa có bằng chứng nghiên cứu cụ thể cần được xem xét thêm như:
Điều trị rối loạn thị giác hai mắt: Nếu một đứa trẻ có biểu hiện rối loạn thị giác 2 mắt có liên quan đến sự khởi phát thì hành động kiểm soát các rối loạn đó sẽ góp phần làm giảm đi nguy cơ mắc cận thị. Thế nhưng, điều quan trọng cần lưu ý rằng hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào được công bố về tác dụng của phương pháp trên trẻ tiền cận thị. Tuy nhiên, việc tiến hành điều trị các rối loạn thị giác 2 mắt vẫn có thể được thực hiện như là biện pháp giảm bớt ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và học tập của trẻ.
Kính áp tròng kiểm soát cận thị không độ: Hiện nay, vẫn không có bằng chứng nào cho thấy việc điều trị trẻ em được phân loại là tiền cận thị bằng kính áp tròng kiểm soát cận thị có hiệu quả ngăn ngừa sự khởi phát của cận thị. Về bản chất, chưa kể đến vấn đề chi phí, khi cho trẻ đeo kính áp tròng rất cần có sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh, sự hợp tác của trẻ và quá trình theo dõi thăm khám định kỳ của bác sĩ nhằm kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng mắt. Tuy vậy, đây vẫn có thể chỉ được xem là phương pháp tham khảo đối với gia đình có trẻ lớn, đã/ có thể tập đeo và tuân thủ các quy tắc vệ sinh khi dùng kính áp tròng (khi được chứng minh hiệu quả trong tương lai).
Kính gọng kiểm soát cận thị: Tương tự 2 phương pháp trên, không có bằng chứng nào cho thấy kính gọng kiểm soát cận thị ngăn chặn sự khởi phát cận thị ở nhóm người tiền cận thị và đa số loại kính này vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng hoặc chỉ cung cấp sẵn ở một số khu vực. Trong tương lai khi lĩnh vực nghiên cứu cận thị phát triển và được chứng minh hiệu quả, phương pháp này chắc chắn sẽ là một lựa chọn can thiệp hợp lý, an toàn và rủi ro rất thấp đối với một số trẻ em
Trẻ em lớn rất nhanh và độ cận của chúng cũng có thể tiến triển khá nhanh chóng, đặc biệt là khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ được nêu trên. Vì thế, để được chẩn đoán, tư vấn và tiến hành các biện pháp can thiệp sớm kịp thời khi trẻ còn đang trong giai đoạn tiền cận thị, ba mẹ hãy đưa con em mình đến các địa chỉ phòng khám, bệnh viện Mắt uy tín thăm khám ít nhất mỗi 6 tháng một lần nhé!
Với phương châm làm việc “UY TÍN TẠO NIỀM TIN”, phòng khám Mắt Bình An với đội ngũ Bác sĩ - Chuyên viên Khúc xạ Nhãn khoa giỏi về chuyên môn, nhiều kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, chúng tôi tự tin sẽ là nơi đồng hành đáng tin cậy cùng ba mẹ chăm sóc tốt nhất cho đôi mắt của trẻ nhỏ. Hãy đặt lịch để được đo khám ngay hôm nay để được tư vấn chính xác nhất, ba mẹ nhé!