ATROPINE NỒNG ĐỘ THẤP: GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ CHO TRẺ TIỀN CẬN THỊ

ATROPINE NỒNG ĐỘ THẤP: GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ CHO TRẺ TIỀN CẬN THỊ
Ngày đăng: 25/03/2024 03:06 PM

    Cận thị - loại tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay - đang dần trở thành mối lo ngại toàn cầu bởi tỷ lệ mắc gia tăng từng ngày. Theo các chuyên gia dự đoán, gần 50% dân số thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi cận thị vào năm 2050 (trong đó, tỉ lệ mắc cận thị nặng chiếm đến 10%), đặc biệt là ở Đông Á và Đông Nam Á. Với tính chất kéo dài trục nhãn cầu quá mức và không thể đảo ngược của cận thị, khi độ tuổi mắc cận thị càng sớm, nguy cơ trẻ mắc cận thị nặng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau này: bong/ rách võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, giãn lồi cực sau, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… ngày càng cao. Và dù rằng đa số trường hợp đều được xem là lành tính, nhưng đôi khi cận thị ở mức độ thấp đến trung bình vẫn có thể dẫn đến các biến chứng đáng kể đã nêu trên. “Dù nguy cơ mắc các bệnh về mắt do cận thị sẽ tăng theo độ cận nhưng thực tế không có mức độ cận nào được xem là tiêu chuẩn an toàn. Việc làm chậm tiến triển 1  độ cận giúp làm giảm 40% khả năng mắc bệnh lý hoàng điểm do cận thị” - theo Giáo sư Bullimore và Tiến sĩ Brennan (2023).

    THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BAN ĐẦU CHO TRẺ TIỀN CẬN THỊ

    Theo Viện Cận thị Quốc tế (IMI), dù tập trung hạn chế tốc độ tiến triển cận thị là trọng tâm của các nghiên cứu, nhưng việc ngăn ngừa sự khởi phát của cận thị mới thật sự là mục tiêu giá trị hơn cả. Các biện pháp can thiệp này cần được thực hiện sớm trước khi trẻ bị cận thị, hay còn được gọi là GIAI ĐOẠN TIỀN CẬN THỊ theo thuật ngữ chuyên môn. Tiền cận thị được định nghĩa là “trạng thái khúc xạ của mắt ≤ +0,75 D và > -0,50 D ở trẻ em trong đó sự kết hợp của khúc xạ cơ bản, tuổi tác và các yếu tố nguy cơ có thể định lượng khác cho thấy một khả năng phát triển cận thị trong tương lai để có thể đưa ra những can thiệp mang tính phòng ngừa”. Tìm hiểu thêm về định nghĩa Tiền cận thị tại đây

    Từ đó, nhiều lời khuyên hữu ích về thay đổi lối sống hằng ngày như: dành thời gian ngoài trời mỗi ngày, hạn chế làm việc nhìn gần liên tục và tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong nhiều giờ đã được các chuyên gia đưa ra nhằm trì hoãn sự khởi phát của cận thị cho trẻ em chậm nhất có thể với hiệu quả lên đến 45%. Thế nhưng, với tình trạng  học online trên điện thoại, máy tính ngày càng nhiều cũng như áp lực học tập cao làm tăng thời gian nhìn gần như hiện nay, liệu rằng những thay đổi trong sinh hoạt là đã đủ và khả thi để ngăn chặn tiến trình khởi phát cận thị ở trẻ?

     


     

    Trong 1 nghiên cứu khảo sát hơn 120.000 trẻ em được công bố trên tạp chí JAMA Ophthalmology sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia Trung Quốc đã phát hiện rằng tỷ lệ cận thị ở trẻ em độ 6-8 tuổi tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước đó. Tại cuộc phỏng vấn của tờ The Wall Street Journal cùng thời điểm này, Bác sĩ Nhãn khoa Megan Collins tại Viện Mắt Johns Hopkins Wilmer cũng cho biết: “Một số trẻ năm ngoái khi được đo khám hoàn toàn không ghi nhận tật khúc xạ đáng kể và không yêu cầu đeo kính, nhưng chỉ sau 1 năm, chúng đã có một sự thay đổi khá lớn về thị lực và một số trẻ bắt buộc phải đeo kính". Lý giải cho điều này, theo Bác sĩ nhãn khoa Julia A. Haller tại Bệnh viện Mắt Wills: “Đại dịch làm tăng thời gian dán mắt vào màn hình của trẻ em khi phải ở nhà vì lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 và việc không ra ngoài tiếp xúc ánh sáng tự nhiên sẽ làm tăng tỷ lệ mắc cận thị”
     

     

    BẰNG CHỨNG HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ ATROPINE CHO TRẺ TIỀN CẬN THỊ

    Trước những tình huống khó khăn này, các công trình nghiên cứu khoa học đã được tiến hành nhằm tìm ra giải pháp bổ sung giúp ngăn ngừa hiệu quả tiến trình trẻ em mắc cận thị: Năm 2010, Fang & cộng sự đã tiến hành nghiên cứu hồi cứu trên 50 trẻ em tiền cận thị từ 6 - 12 tuổi với độ khúc xạ tương đương cầu < +1.00D . Với 25 trẻ được nhỏ Atropine 0,025% hằng đêm sau 1 năm, họ nhận thấy rằng tỷ lệ khởi phát cận thị ở nhóm trẻ đối chứng không dùng thuốc lên đến 54%, cao hơn đáng kể so với nhóm điều trị bằng thuốc chỉ 21%.

    Trong một thử nghiệm phòng chống cận thị công bố năm 2022 nhằm đánh giá hiệu quả trì hoãn khởi phát cận thị ở 474 trẻ Trung Quốc từ 4 - 9 tuổi không bị cận thị khi dùng thuốc nhỏ Atropine nồng độ thấp trong 2 năm (LAMP2), người ta phát hiện rằng việc dùng Atropine 0,05% mỗi tối đã giúp tỷ lệ khởi phát cận thị và tỷ lệ trẻ tiến triển cận thị nhanh (> -0.50D/ năm) thấp hơn đáng kể lần lượt là 24.6% và 28.9% so với nhóm trẻ chỉ dùng giả dược. 

    Gần đây nhất, nghiên cứu của Wang & cộng sự phát hành trên Tạp chí Nhi khoa Châu Âu (2023) đã so sánh hiệu quả sử dụng atropine nồng độ thấp mỗi tối trong việc ngăn ngừa khởi phát và tiến triển thành cận thị ở nhóm 300 trẻ tiền cận thị từ 6 - 12 tuổi. Sau 2 năm, kết quả cho thấy tỷ lệ khởi phát cận thị ở nhóm dùng Atropine chỉ chiếm 10,7%, trong khi tỷ lệ ở nhóm dùng giả dược lên đến 30,7%.

     

     

    KIỂM SOÁT TIỀN CẬN THỊ NHƯ THẾ NÀO?

    Trên thực tế, việc kiểm soát trẻ trong giai đoạn tiền cận thị được cho là khó khăn hơn so với trẻ đã mắc tật cận thị - vì trẻ chưa thực sự cần điều chỉnh thị lực bằng các phương pháp điều trị quang học (kính gọng, kính áp tròng). Ngoài ra, cho đến nay vẫn có rất ít các nghiên cứu về các biện pháp can thiệp cho trẻ trong giai đoạn này. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cho trẻ nhỏ, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ mắc cận thị học đường ở trẻ ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa như hiện nay.

    Bên cạnh lời khuyên tăng thời gian ngoài trời ít nhất 2 tiếng/ ngày và làm việc nhìn gần ít hơn 2 tiếng ngoài giờ học chính khóa (đọc sách truyện, dùng các thiết bị điện tử…), một số bác sĩ có thể chọn kê toa nhỏ thuốc Atropine nồng độ thấp cho trẻ mỗi tối như hình thức can thiệp nhằm trì hoãn hoặc ngăn ngừa khởi phát cận thị. Có thể nói, đây là một giải pháp đáng tham khảo cho phụ huynh có con em được chẩn đoán đang trong giai đoạn tiền cận thị từ những bằng chứng nghiên cứu đã được nêu trên. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị kiểm soát tiền cận thị nào, điều quan trọng là chúng ta cần xem xét kĩ: 

    • Các yếu tố nguy cơ cận thị của trẻ
    • Sự cân bằng giữa lợi ích và tác dụng phụ khi sử dụng phương pháp này 
    • Khả năng hợp tác tuân thủ khi điều trị (dùng thuốc mỗi tối, tái khám định kỳ,...)
    • Sự hiểu biết về phương pháp và mục tiêu điều trị của phụ huynh đối với con trẻ

    Với phương châm làm việc “UY TÍN TẠO NIỀM TIN”, phòng khám Mắt Bình An với đội ngũ Bác sĩ - Chuyên viên Khúc xạ Nhãn khoa giỏi về chuyên môn, nhiều kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, chúng tôi tự tin sẽ là nơi đồng hành đáng tin cậy cùng ba mẹ chăm sóc tốt nhất cho đôi mắt của trẻ nhỏ. Hãy đặt lịch để được đo khám ngay hôm nay để được tư vấn chính xác nhất, ba mẹ nhé!

    Zalo
    Hotline